1. Bệnh đường hô hấp:
a) Hen phế quản: người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh như nhiệt độ lạnh, hóa chất, bụi hữu cơ, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ; các yếu tố nội tại trong cơ thể như: nội tiết tố, dị ứng nguyên như vi khuẩn, thức ăn, thuốc chữa bệnh, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể... Các thể hen cần chú ý để xử lý kịp thời gồm: hen phế quản thể khó thở kịch phát, thường gặp ở trẻ nhỏ; thể khó thở liên tục xuất hiện ngay từ đầu thường gặp ở bệnh nhân có tiền sử hen lâu ngày; thể hen có tràn khí màng phổi xảy ra ở người phế nang đã bị giãn; thể hen ác tính, hen do sử dụng aspirin; thể hen có cơn tăng huyết áp kèm theo...
- Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải tránh hay loại trừ được các yếu tố gây bệnh như: tránh bị nhiễm lạnh, tránh hít thở phải bụi, ký sinh vật, nấm mốc... bằng cách đeo khẩu trang. Khi cơn hen đã xảy ra bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả, nhanh chóng cắt cơn hen, ngăn ngừa cơn hen phát triển thành ác tính.
2. Viêm phế quản cấp: mầm bệnh gây viêm phế quản cấp mùa đông thường là virut cúm influenza A và B, hiện nay có thể là virut cúm A/H1N1 và H5N1, các virut parainfluenza, virut hợp bào hô hấp... khi bị bệnh cơ thể giảm sức đề kháng nên dễ bị bội nhiễm bởi các loại vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp. Phòng bệnh viêm phế quản chủ yếu là phải mặc ấm, giữ ấm vùng hầu họng cả ngày. Ăn uống đầy đủ để nâng cao sức chịu rét, sức đề kháng cho cơ thể. Khi đã mắc bệnh cần điều trị tích cực bằng kháng sinh chống bội nhiễm, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân để phòng tránh các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
3. Áp-xe phổi: viêm phổi, giãn phế quản, nhiễm khuẩn không được phát hiện và điều trị sẽ biến chứng thành áp-xe phổi. Vì vậy áp-xe phổi cần điều trị nội khoa tích cực kết hợp với phẫu thuật.
4. Phòng bệnh: Đeo khẩu trang hoặc dùng các phương tiện phòng hộ khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có một bộ máy hô hấp khỏe mạnh. Người mắc bệnh phổi mạn tính và có những thương tổn khác nên làm việc nhẹ, không phải gắng sức. Không nên ăn mặn. Nơi ở và phòng ngủ cần thoáng khí, môi trường trong lành. Nếu đã có suy tim phải nên nghỉ ngơi hoàn toàn, tuyệt đối tránh gắng sức. Luôn luôn giữ ấm cơ thể. Tránh tắm nước lạnh, không ăn thức ăn lạnh, không uống nước đá; giữ vệ sinh tai mũi họng, răng miệng chống nhiễm khuẩn.
|