!important; Nguyễn Văn Thạc sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mảnh đất thủ đô với những lá cờ tổ quốc bay phấp phới đã nuôi lớn tình yêu và tinh thần chiến đấu trong anh. Tốt nghiệp đại học khoa Toán - Cơ với cả một cơ đồ phía trước, thế nhưng anh đã rũ khỏi ghế nhà trường để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì anh biết khi này, tổ quốc cần anh.
Tuổi hai mươi như cánh diều không mỏi, chỉ chịu mỏi khi nằm xuống đất Việt Nam. Ngày 30/7/1972, Đồng chí Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh anh dũng nơi chiến trường Quảng Trị, dưới lá cờ của tổ quốc Việt Nam khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.
Cuốn nhật ký được viết từ ngày 2/10/1971 và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi Nguyễn Văn Thạc chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Suốt quá trình viết, chàng trai giỏi Văn nhất đất Hà Thành chỉ sử dụng hai màu mực xanh đen, như nền trời xanh của tổ quốc đang nhuốm lấy khói của bom, của đạn. Từng dòng nhật ký đã và đang tái hiện lại một giai thoại vô cùng khốc liệt của lịch sử dân tộc những năm 70, tái hiện nỗi thống khổ dày xéo lên đôi vai anh bộ đội cụ Hồ, tái hiện tình đồng chí đầy ấm áp và thiêng liêng.
Trước khi gửi cuốn nhật kí về cho anh trai ở Hà Nội, Nguyễn Văn Thạc có viết: “Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.”
“Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”
Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ. Tuy đã hy sinh cho nền độc lập của tổ quốc, nhưng trong lòng mỗi người con của Việt Nam, anh luôn sống mãi, sống mãi ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Đọc cuốn nhật kí, chẳng ai là không đổ lệ cho những tấm lòng cao cả, sống chết với Tổ quốc mà chẳng màng hi sinh.