Nhiệt liệt chào mừng kỉ niệm 91 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021), Trường THCS Ngô Gia Tự xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất và sự tri ân đến các bà, các mẹ, các chị em và các cô giáo tài năng, duyên dáng của nhà trường.
Phụ nữ là những người lao động cần cù, thông minh. Họ là những người gìn giữ giống nòi và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, họ là những người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Ở một khía cạnh khác lớn lao hơn, đất nước ta đã trải qua ngàn năm binh lửa, trong lịch sử dựng nước và giữ nước phụ nữ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến những đội quân tóc dài, chị Út Tịch, chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai... Mang danh là phận "liễu yếu đào tơ", "chân yếu tay mềm" nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, soi vào đâu chúng ta cũng thấy hình ảnh kiên cường bất khuất của những người phụ nữ.
Ngày nay, khi đất nước đang hội nhập, những người phụ nữ lại thể hiện mình ở trong tất cả các lĩnh vực. Từ chính trị đến ngoại giao, từ khoa học đến nghệ thuật.... đâu đâu họ cũng tạo nên những thành tích bất ngờ khiến cho thế giới phải nghiêng mình. Các tổ chức tiền thân và sự ra đời của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Giai đoạn trước năm 1930: khi Đảng Cộng sản chưa ra đời, khắp các vùng miền trên cả nước đã xuất hiện các tổ chức phụ nữ: Ở Bắc Ninh có nhóm phụ nữ học nghề đăng ten, ở Vinh có tổ phụ nữ Giải phóng, Sinh Hội đỏ ở trường nữ Đồng Khánh (Huế) (theo nguồn Sách Lịch sử Hội LHN Việt Nam 1930-1976). Giai đoạn từ năm 1930: - Tại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản từ ngày 6/1/1930- 8/2/1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng ( nguồn: tr55-56, Sách Lịch sử Hội LHN Việt Nam 1930-1976, NXB Phụ nữ, 2016) - Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14- 31/10/1930, BCH Trung ương Đảng đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất tại Hương Cảng Trung Quốc. Bên cạnh thảo luận Luận cương chính trị của Đảng, tại Hội nghị này đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động và đã tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ như “Phụ nữ hiệp hội”. Trung ương Đảng đã đề ra điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất tổ chức vào tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giai đoạn 1936-1939: ta có Phụ nữ Dân chủ, Phụ nữ Ái hữu, Phụ nữ Tân Tiến, Phụ nữ Hỗ trợ (lúc này ở các địa phương vẫn còn xuất hiện nhiều tổ chức phụ nữ với các tên gọi khác nhau). Ở Nam Kỳ thì Hội phụ nữ Giải phóng vẫn tiếp tục duy trì và đổi tên thành Hội Liên hiệp Giải phóng phụ nữ. Từ năm 1939 ta có thêm tổ chức Hội phụ nữ phản đế, nhưng lúc này ở các xứ Bắc-Trung- Nam kỳ, các tổ chức phụ nữ vẫn chưa thống nhất được thành “Đoàn thể Phụ nữ giải phóng trong toàn xứ”. Năm 1941, tổ chức Phụ nữ cứu quốc gia đời và hoạt động sôi nổi. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều các tổ chức phụ nữ nhỏ lẻ khác cùng hoạt động. Đoàn phụ nữ Cứu quốc tổ chức hoạt động ở 3 xứ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng chứ cũng chưa là một tổ chức thống nhất từ trên xuống. Tuy nhiên với sự lớn mạnh của Đoàn phụ nữ Cứu quốc, các tổ chức phụ nữ đã đóng góp rất lớn vào thành công Cách mạng tháng 8/1945. Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, với sự ra đời của Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, Đảng đã quyết định thành lập tổ chức Hội lấy tên là Hội LHPN Việt Nam với nòng cốt là Đoàn phụ nữ Cứu quốc, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ trên mọi mặt lĩnh vực. Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội LHPN Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tên gọi Hội LHPN Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay. Trong bối cảnh đó, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) chính thức được thành lập, bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng. Hội LHPN Việt Nam là một mặt trận gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột. Năm 1946 Hội LHPN Việt Nam gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế. Năm 1947, tại Nam bộ để lãnh đạo phong trào phụ nữ, Ban Chấp hành phụ nữ Cứu quốc Nam bộ được thành lập. Tháng 10/1947, tại Việt Bắc, Hội nghị cán bộ phụ vận toàn quốc họp đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Hội Phụ nữ Cứu quốc, đồng chí Hoàng Ngân (Tên thật là Phạm Thị Vân) được bầu làm bí thư. Năm 1950, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong cả nước, Đảng chủ trương thống nhất các lực lượng kháng chiến thành một khối thống nhất và Hội quyết định: “Hoà hợp Đoàn phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, giản đơn tổ chức và thống nhất lực lượng phụ nữ”. (Lịch sử Hội LHPNVN, trang 180) Thực hiện chủ trương của Đảng, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 14-19/4/1950 tại thôn La Bằng, xã Cù Vân (nay là xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã ra Quyết nghị hợp nhất Đoàn phụ nữ Cứu quốc Việt Nam vào Hội LHPN Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Hội LHPN Việt Nam. Sự ra đời của Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất sự chỉ đạo phong trào phụ nữ cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội đề ra 10 nhiệm vụ và 2 chương trình lớn giai đoạn 1950 – 1956, bầu 32 ủy viên BCH. Bà Lê Thị Xuyến được bầu làm Hội trưởng. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2021, là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam bằng những tấm gương tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử để rồi mỗi chúng ta dù ở cương vị nào cũng trân trọng và tự hào, phấn đấu vươn lên xứng đáng với truyền thống vẻ vang ấy.