Căn cứ kế hoạch số 295/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Quận Long Biên; thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Long Biên về việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương , sáng ngày 7/12/2017, trường THCS Ngô Gia Tự đã tổ chức cho 173 em học sinh khối 6 đi tham quan di tích lịch sử văn hóa đình Tình Quang và đình Thanh Am.
Tại đây, cô và trò trường THCS Ngô Gia Tự đã được hiểu thêm về lịch sử của hai ngôi làng truyền thống là làng Đuống (Thanh Am) và làng Kẻ Vỉa hay Vịa (Tình Quang), cũng như quá trình xây dựng, tôn tạo, trùng tu hai ngôi đình văn hóa trên.
Ngôi đình làng Tình Quang, nằm bên tả ngạn sông Đuống thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Làng Tình Quang vốn là Kẻ Vịa/Vỉa, có nghĩa vùng quê nằm ven sông (Đuống), để rồi sau này khi thành lập tên xã với tên chữ là Giang Biên. Còn về tên gọi Tình Quang, theo sắc phong thời Khải Định: Tình Quang có nghĩa ánh sáng sau cơn mưa hay sau cơn mưa trời lại sáng. Tên gọi này cũng gắn với một truyền thuyết: công chúa Ngọc Hân trên đường về quê ngoại ở vùng Ninh Hiệp, khi tới đây trời bỗng hửng sáng và tạnh ráo nên đã đặt tên làng là Tình Quang?. Theo truyền thuyết dân gian đình thờ ba vị thành hoàng là Lý Nam Đế; Đinh Điền - Một vị đại tuớng quân của Đinh Bộ Lĩnh và Lý Chiêu Hoàng thời Lý.
Ngôi đình Thanh Am được nằm trong khuôn viên 4 tổ dân phố từ 24-27 của làng Thanh Am. Ngôi làng có truyền thống lâu đời với tên gọi xa xưa là làng Đuống. Đến thế kỉ 17, ngôi làng được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm yêu mến đặt cho cái tên Thanh Am để chỉ sự tươi đẹp, trong mát nơi đây. Đình Thanh Am được xây dựng vào thế kỉ 17, suy tôn và thờ kính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Thành Hoàng làng. Sau hơn 400 năm trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi đình gần như vẫn giữ được vẹn nguyên di tích.
Qua chuyến tham quan thực tế, học sinh trường THCS Ngô Gia Tự đã được bồi đắp thêm lòng yêu mến và tự hào sâu sắc về quê hương Long Biên yêu dấu.
Một số hình ảnh trong buổi tham quan