Năm 1942, văn đàn Việt Nam rộn ràng đón nhận tập phê bình văn học “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Đây là cuốn sách hợp tuyển vừa là nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và bài thơ có giá trị trong khoảng thời gian khoảng 1932-1941, khi mà phong trào Thơ mới đang rộ nở và sắp đi vào kết thúc.
Cuốn sách là một hợp tuyển đầu tiên của thời kỳ Thơ Mới, ghi nhận những tên tuổi nhà thơ và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932-1941. Tác phẩm bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhiều nhà văn đánh giá rất cao về giọng bình và trình độ cảm nhận của tác giả
“Thi nhân Việt Nam” cũng đã trải qua một thời thăng trầm. Khi nó mới được xuất bản, người ta phủ nhận nó vì nó dám khen cái thứ “thơ buồn”. Nhưng điều càng bất ngờ hơn chính là Hoài Thanh cũng không ít hơn một lần chối bỏ nó. Có lẽ vì nó không hợp thời hợp thế chăng? Một cuốn sách tổng kết lại cả một giai đoạn thơ ca khi mới xuất hiện bị người ta phủ định, thì dần dà về sau, khi nhìn lại những tác phẩm ấy, ta mới hiểu rõ, mới sâu sắc cảm nhận được sự đánh giá, phê bình của tác giả dành cho một quãng thời gian đổi mới. Thời gian là thước đo mọi giá trị, theo đó cuốn sách đã được trả về đúng vị trí của nó và cho đến hôm nay, sự tái bản nhiều lần với số lượng không nhỏ đã là một minh chứng khẳng định “Thi nhân Việt Nam” là cuốn sách phê bình văn học hay nhất mọi thời đại.
Sách đang được lưu trữ và phục vụ Thư viện trường THCS Ngô Gia Tự với số ĐKCB: STK – 3040, xin trân trọng kính mời thầy cô và các em học sinh cùng đọc.